Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên chuỗi cung cung ứng
CONTAINER – NÚT NGHẼN CỦA CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU.
Container được xem là huyết mạch của thương mại toàn cầu, giúp việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển, đường bộ, đường sắt trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với sự thiếu hụt container trên diện rộng.
Trong bối cảnh thiếu hụt container, các công ty Ấn Độ phản ánh rằng thời gian tìm kiếm container rỗng để xuất khẩu hàng hóa sang Châu u và Bắc Mỹ có thể lên đến 3 tuần. Trong khi đó, đối với các công ty Anh Quốc, thiếu hụt container làm việc xuất khẩu hàng hóa sang Châu Á kéo dài đến hơn 2 tháng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tiêu biểu là vấn đề giá cước container tăng mạnh gấp 10 lần.
Vì sao lại thiếu hụt container?
Việc thiếu hụt container là một trong những hậu quả của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực chất vấn đề không nằm ở việc thiếu hụt nguồn cung container, mà do một số lượng lớn container đang có sẵn ở nhiều nơi nhưng không được dùng tới. “Vấn đề xuất phát từ sự mất cân bằng trong việc phân phối container toàn cầu” – nhận định từ Giáo sư Willy Shih từ Harvard Business School.
Chính đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự mất cân đối này. Cuối năm 2019, khi COVID-19 vừa bùng phát tại Trung Quốc, quốc gia này và các nước lân cận phải đóng cửa các khu chế xuất và khu công nghiệp. Các tàu từ châu Á đi đến châu Mỹ buộc phải dỡ và trữ container tại các cảng ở châu Mỹ thay vì chở hàng hóa ngược về châu Á. Việc này làm cho container bị mắc kẹt lại châu Mỹ, chất đầy tại các cảng và ga tàu.
Đến cuối năm 2020, giao thương toàn cầu dần phục hồi. Người tiêu dùng bắt đầu mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử nhiều hơn khiến số lượng hàng vận chuyển từ châu Á đến châu Mỹ tăng đột biến. Các cảng biển – điển hình là cảng Los Angeles/ Long Beach, gặp khó khăn trong việc chất và dỡ lượng lớn các container hàng hóa đến từ châu Á. Để tiết kiệm thời gian, nhiều tàu chở hàng đành phải bỏ lại container rỗng tại các cảng đến, trong khi nguồn cung container tại cảng đi ngày càng cạn kiệt.
Bên cạnh đó, những tai nạn như tàu Ever Given bị kẹt tại kênh đào Suez hay các cảng biển phải đóng cửa do bùng phát dịch bệnh đã làm tình trạng thiếu hụt container ngày càng trầm trọng hơn.
Sản lượng sản xuất container đạt đỉnh điểm.
Mặc dù các nhà sản xuất container như CIMC, DFIC, and CXIC đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục, lượng container rỗng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trên thực tế, sản xuất thêm container không thực sự là một giải pháp hiệu quả và khả thi. “Mặc dù hiện tại tình trạng thiếu hụt đang xảy ra khá trầm trọng, tình trạng kinh tế toàn cầu đang dần trở lại mức bình thường và vấn đề thiếu hụt container sẽ tự giải quyết theo thời gian. Việc tăng mức sản xuất vào lúc này sẽ chỉ tạo ra sự dư thừa container trong tương lai” – Giáo sư Suresh Acharya từ Đại học Maryland cho hay. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải trong ngành đã cáo buộc các nhà sản xuất container cố ý giữ nguồn cung thấp nhằm tăng giá.
Thiếu hụt container sẽ còn tiếp tục trong bao lâu nữa?
Các chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng vấn đề này chỉ là tạm thời và sẽ tự biến mất theo thời gian. Khi COVID-19 dần được đẩy lùi, các nền kinh tế bắt đầu mở cửa, nhu cầu mua hàng trở lại bình thường và các nút nghẽn tại cảng biển được giải quyết, tình trạng thiếu hụt container cũng sẽ dần được giảm bớt.
Tuy nhiên, chưa có dự báo chắc chắn về sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu trước tình hình ảm đạm của các hoạt động thương mại khi dịch COVID-19 kéo dài. Cụ thể, việc COVID bùng phát mất kiểm soát khiến cho các cảng biển quan trọng bị phong toả, ví dụ như việc cảng Ninh Ba-Chu Sa tại Trung Quốc phải đóng cửa vào giữa tháng 8 do sự xuất hiện của biến thể Delta, hoặc những tai nạn hàng hải như tàu Ever Given vẫn sẽ gây trở ngại cho sự phục hồi của chuỗi cung ứng về trạng thái trước đại dịch.
THIẾU HỤT CHIP VI XỬ LÝ VÀ HIỆU ỨNG BULLWHIP
Cuối năm 2020, thế giới đột ngột đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip vi xử lý. Các ngành sử dụng chip vi xử lý như viễn thông, ô tô, gia dụng, điện tử điều gặp tình trạng thiếu hụt linh kiện trầm trọng, và phải tạm dừng sản xuất. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính ít nhất 169 ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đợt thiếu hụt này, và hậu quả là GDP năm 2021 của Hoa Kỳ có nguy cơ giảm 1%.
Đây là một trong nhiều ảnh hưởng của COVID-19 lên chuỗi cung ứng. Vào lúc đại dịch vừa bùng phát, người tiêu dùng giảm chi tiêu cho việc mua sắm. Tuy nhiên vài tháng sau đó, khi các công ty bắt đầu chính sách làm việc tại nhà và người tiêu dùng bắt đầu đặt mua hàng thương mại điện tử nhiều hơn mức trước đại dịch, nhu cầu cho các thiết bị sử dụng chip như máy tính, webcam tăng cao đột xuất. Nhằm đáp ứng nhu cầu, các công ty sản xuất nhanh chóng gửi đơn hàng đặt mua chip đến các nhà cung ứng, khiến cho các nhà cung ứng chip không phản ứng kịp thời và dẫn đến thiếu hụt.
“Chúng tôi gọi đây là hiệu ứng bullwhip trong chuỗi cung ứng”, giáo sư Willy Shih từ Harvard Business School cho biết.
Hiệu ứng bullwhip là gì?
Cụm từ “hiệu ứng bullwhip” được đặt ra bởi giáo sư Hau Lee từ Stanford Business School khi ông đang tìm hiểu lý do tại sao đơn đặt hàng suốt chuỗi cung ứng tã giấy lại thay đổi lớn về số lượng đặt hàng mặc dù nhu cầu mua tã của người tiêu dùng tương đối ổn định. Ông nhận ra rằng những thay đổi nhỏ trong nhu cầu của người tiêu dùng cũng gây ra những thay đổi lớn trong số lượng hàng các nhà bán lẻ mua từ nhà sản xuất tã giấy. Khiến các nhà sản xuất tã giấy phải đặt nhiều nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp hơn, nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu và gián đoạn sản xuất.
Vì không thể dự đoán chính xác 100% nhu cầu của khách hàng, các nhà bán lẻ sẽ đặt hàng nhiều hơn cần thiết để phòng ngừa tình trạng hết hàng khi nhu cầu tăng đột ngột. Tương tự như vậy, các nhà sản xuất tã giấy sẽ đặt nguyên vật liệu và sản xuất nhiều hơn đơn lượng hàng mà các nhà bán lẻ đặt. Càng về sau chuỗi cung ứng, các phần hàng đặt dư này càng trở nên nhiều hơn do nhà cung cấp nguyên vật liệu phải dự phòng nhu cầu của nhà sản xuất, nhà sản xuất phải dự phòng nhu cầu của nhà bán lẻ và nhà bán lẻ phải dự phòng nhu cầu của khách hàng.
Đây chính là hiện tượng đang xảy ra với chuỗi cung ứng chip vi xử lý. Các nhà sản xuất điện thoại, ô tô, điện tử tiêu dùng, đã đổ xô đặt hàng chip hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dẫn đến các nhà cung cấp chip như Huawei, Qualcomm và NVIDIA đối mặt với nhu cầu gia tăng đột ngột. Sau đó, các nhà cung cấp này gửi đơn đặt hàng của họ, cộng thêm đơn hàng nhằm dự trù biến đổi trong nhu cầu đến các nhà sản xuất như TSMC, Samsung và Intel. Các đơn hàng tồn bắt đầu chồng chất. Hiện nay, các nhà sản xuất phải chờ đến cuối năm 2021 để nhận được đơn hàng chip vi xử lý.
Tại sao không xây thêm nhà máy?
Khi gặp bất kỳ tình trạng thiếu hụt nào, phản ứng đơn giản nhất là tạo ra nhiều hơn sản phẩm bị thiếu. Các nhà sản xuất chip thông báo rằng họ đang đầu tư vào việc mở rộng xưởng và xây dựng các nhà máy mới nhằm tăng nguồn cung. Nhưng những dự án đó đi vào hoạt động sớm nhất vào cuối năm 2022. Đến lúc đó, việc thiếu hụt chip có lẽ đã được giải quyết. Hệ quả là khi các nhà cung cấp như TSMC, Samsung ngừng xây dựng các nhà máy mới, nhu cầu sẽ dần dần tăng lên cho đến khi nó bằng nguồn cung. Tại lúc đó, những thay đổi nhỏ trong nhu cầu của người tiêu dùng một lần nữa có thể tạo ra những cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng thông qua hiệu ứng bullwhip. Sự thiếu hụt dẫn đến nguồn cung giảm sút, cuối cùng dẫn đến tình trạng thiếu hụt một lần nữa. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp chip cần phải lên kế hoạch mở rộng cẩn thận, nếu không, họ có nguy cơ sản xuất thừa trong vài năm, sau đó lại là thiếu hụt giống hiện tại.
Theo Quartz, VTC News
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Trên đây là toàn bộ bài viết “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên chuỗi cung cung ứng’ WorldCourier hy vọng những kiến thức này hữu ích cho bạn! và nếu cần hỗ trợ, hãy cứ nhấn gọi WorldCourier nhé!
Xem thêm: