Mở cơ hội cho mặt hàng gia vị và hương liệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

huong-lieu-viet-nam

Mở cơ hội cho mặt hàng gia vị và hương liệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Ngày 08/9/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã chủ trì tổ chức Hội nghị Giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam 2021 với sự tham gia của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

huong-lieu-viet-nam

Chất lượng được khẳng định

Ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng mặt hàng này cho thị trường thế giới. Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Đó là nhấn mạnh của ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) trong bài phát biểu khai mạc sự kiện.
Cũng theo lãnh đạo Cục XTTM, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe, có khả năng cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu và nhiều loại gia vị, hương liệu khác của thế giới đang tăng trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-19, chi phí logistics tăng vọt. Đây là cơ hội cho mặt hàng gia vị và hương liệu Việt Nam vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới.
“Để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, sau khi Việt Nam kiểm soát ổn thỏa tình hình dịch bệnh Covid-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Hồ tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm ngành gia vị và hương liệu của Việt Nam. Ông Lê Đức Huy- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9, thông tin: Trước kia Việt Nam chỉ là 1 nước nhỏ sản xuất hồ tiêu, sau 1 thời ngắn vươn lên là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới. 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu do Việt Nam sản xuất. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của các ngành hàng nhưng xuất khẩu hồ tiêu vẫn khá ổn định cả về sản lượng và giá. Năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 285.000 tấn, giá tăng dần. Các thị trường xuất khẩu chính gồm: Châu Á chiếm 50% tỷ trọng, châu Mỹ 21%, EU 20%, châu Phi 7%.
So với 10 năm trước, chất lượng hồ tiêu của Việt Nam đã được cải tiến nhiều. Không chỉ sản xuất tiêu đen, các doanh nghiệp còn sản xuất ra sản phẩm tiêu xanh, đỏ, trắng, tiêu ngâm dấm… rất phong phú. Theo ông Lê Đức Huy, đây là nguyên do hồ tiêu Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường.
“Ngành hồ tiêu đang nỗ lực tìm hướng phát triển bền vững bằng cách khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, Việt Nam còn là địa điểm lý tưởng để cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mở nhà máy chế biến sâu gia vị, trong đó có hồ tiêu. Thực tế, đã có doanh nghiệp nước ngoài thực hiện, hiệu quả đạt được rất tốt”, ông Lê Đức Huy thông tin.
Mở rộng thị phần bằng sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến
Thông tin về thị trường Ấn Độ, tại sự kiện, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho hay: Ấn Độ là quốc gia sản xuất, xuất khẩu gia vị và hương liệu lớn của thế giới. Tổng sản lượng gia vị của quốc gia này lên đến 3 triệu tấn/năm, xuất khẩu luôn đứng vào hàng tỷ USD. Tại Ấn Độ, gia vị không chỉ sử dụng làm thức ăn mà còn phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ sức khoẻ.
Dù xuất khẩu số lượng lớn gia vị và hương liệu nhưng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Ấn Độ hàng năm không hề nhỏ. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 1,4 tỷ USD nguyên liệu về chế biến để xuất khẩu, trong đó nhiều nhất là hạt tiêu, quế.
Ấn Độ cũng nhập khẩu gia vị và hương liệu từ Việt Nam, ngoài hồ tiêu, quế hồi, thảo quả của Việt Nam cũng đang có ưu thế lớn tại thị trường này. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta hầu hết xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị không cao. Do vậy, ông Bùi Trung Thướng kiến nghị: Doanh nghiệp nên tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm đã chế biến hoặc tinh chế. Cùng đó, tăng cường hợp tác, phát triển chuỗi giá trị không nhất thiết tham gia cả chu trình hoàn hảo từ sản xuất đến tiêu dùng mà tập trung vào các khâu lợi thế. Lĩnh vực hạn chế có thể kêu gọi hợp tác quốc tế. Sau đó phát triển và làm chủ công nghệ.
Cũng khẳng định thị trường Ả-rập Xê-út có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nước chấm, nước xốt và gia vị cao cấp trong những năm tới. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Kim – Bí thư thứ nhất – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Ả-rập Xê-út, chỉ ra: Nhu cầu về thực phẩm hữu cơ và gia vị hữu cơ ở Ả-rập Xê-út là rất lớn. Một số ít gia vị hữu cơ là ớt, gừng và nghệ … đang được các nhà sản xuất kết hợp các công nghệ mới nhất như xử lý hơi nước để duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm. Xu hướng này giúp các nhà sản xuất duy trì môi trường cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu Việt Nam có mong muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ả-rập Xê-út.
Mở cơ hội cho mặt hàng gia vị và hương liệu Việt Nam vươn ra thị trường thế  giới
Ông Trần Trọng Kim cũng khuyến cáo: Các sản phẩm thực phẩm, đồ ăn, thức uống xuất khẩu vào thị trường Ả-rập Xê-út phải có chứng nhận của Tổng Cục Dược phẩm và Thực phẩm SFDA. Các giao dịch thương mại, thanh toán nên thực hiện theo hình thức LC không hủy ngang, có đặt cọc. Không giao dịch với đối tác môi giới mà yêu cầu doanh nghiệp chuyển trước phí môi giới, phí luật sư, phí chấp thuận hợp đồng bởi đây là những hoạt động các đối tượng lừa đảo hay sử dụng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.
“Hàng Việt Nam chưa có thương hiệu riêng, khi xuất khẩu đều đóng gói theo tên nhà nhập khẩu, thương hiệu của nhà phân phối. Nên doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp”, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Ả-rập Xê-út nhấn mạnh.
EU cũng là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho mặt hàng gia vị và hương liệu của Việt Nam. Nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã đi vào thực thi, một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thuế đã được giảm hoặc giảm dần về 0%. Với kinh nghiệm nhiều năm xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm vào EU, ông Phạm Văn Hiển – Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan, chia sẻ: Mỗi nước trong khối EU có giá cả và khẩu vị khác nhau. Do vậy, để mặt hàng gia vị Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào EU, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường. Những doanh nghiệp chưa đủ lớn, chưa có phòng nghiên cứu thị trường có thể thông qua các kênh online, đối tác có sẵn, hội chợ tổ chức ở EU…để quảng bá sản phẩm, thăm dò thị trường. Về bao bì, cần thiết kế hợp văn hoá và thói quen tiêu dùng tại địa phương. Chọn phân khúc khách hàng sau đó tiến hành nghiên cứu theo nhu cầu.
Các nhà nhập khẩu gia vị tại EU luôn yêu cầu chất lượng cao. Người tiêu dùng EU coi trọng lối sống lành mạnh, chuộng mặt hàng hữu cơ. Đây là hướng doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
Việt Nga
WorldCourier huy vọng những thông tin trên hữu ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *