Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) kêu gọi các chính phủ bắt đầu lập kế hoạch cẩn thận với các bên liên quan trong ngành để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ khi vắc xin COVID-19 được phê duyệt và có sẵn để phân phối.
Thách thức vận chuyển lớn nhất từ trước đến nay
Cả thế giới đang háo hức chờ đợi một loại vắc xin COVID an toàn. “Việc cung cấp vắc xin COVID-19 một cách an toàn sẽ là sứ mệnh thế kỷ đối với ngành vận tải hàng không toàn cầu. Nhưng nó sẽ không xảy ra nếu không lên kế hoạch cẩn thận. Và bây giờ là lúc chúng ta làm việc đó.” Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của IATA, Alexandre de Juniac cho biết.
“Quy mô tiềm năng của việc phân phối là rất lớn. Chỉ cần cung cấp một liều duy nhất cho 7,8 tỷ người sẽ lấp đầy 8.000 máy bay chở hàng 747. Giao thông đường bộ sẽ hữu ích, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển với năng lực sản xuất địa phương. Tuy nhiên, vắc xin không thể được cung cấp trên toàn cầu nếu không sử dụng hàng không.”
“Ngay cả khi chúng ta giả định rằng một nửa số vắc xin cần thiết có thể được vận chuyển bằng đường bộ, ngành vận tải hàng không vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức vận chuyển đơn lẻ lớn nhất từ trước đến nay. Khi lập kế hoạch cho các chương trình vắc-xin của họ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các chính phủ phải xem xét rất cẩn thận về hạn chế khả năng vận chuyển hàng không hiện có” ông Alexandre de Juniac chia sẻ.
Ngoài việc chuẩn bị và phối hợp vận chuyển, các chính phủ cũng phải xem xét khả năng vận chuyển hàng hóa đang giảm sút hiện nay của ngành vận tải hàng không toàn cầu. IATA cảnh báo rằng, với tình hình suy giảm nghiêm trọng về lưu lượng hành khách, các hãng hàng không đã thu hẹp mạng lưới và đưa nhiều máy bay vào kho dài hạn biệt lập.
“Vắc xin – mặt hàng có giá trị cao”
Việc vận chuyển vắc xin không hề đơn giản. IATA lưu ý rằng phải có sự sắp xếp phù hợp để đảm bảo rằng các lô vắc xin vẫn an toàn không bị giả mạo và trộm cắp. Các quy trình được thực hiện để giữ an toàn cho các lô hàng, nhưng khối lượng lô hàng vắc xin tiềm năng sẽ cần có kế hoạch sớm để đảm bảo có thể mở rộng.
Vắc xin phải được xử lý và vận chuyển phù hợp với các yêu cầu quy định quốc tế, ở nhiệt độ được kiểm soát và không chậm trễ để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Trong khi hiện có nhiều điều chưa biết như số lượng liều, sự nhạy cảm với nhiệt độ, địa điểm sản xuất… thì rõ ràng là các hoạt động liên quan sẽ rất lớn, các cơ sở dây chuyền lạnh sẽ được yêu cầu và việc phân phối đến mọi nơi trên toàn cầu sẽ cần thiết.
Ưu tiên chuẩn bị cơ sở vật chất cho đợt phân phối bao gồm: Sự có sẵn của các phương tiện và thiết bị được kiểm soát nhiệt độ – tối đa hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có và giảm thiểu các công trình tạm thời; Sự có sẵn nhân viên được đào tạo để xử lý vắc xin nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ; Khả năng giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính toàn vẹn của vắc xin được duy trì.
Ngoài ra, làm việc hiệu quả với các cơ quan y tế và hải quan sẽ là điều cần thiết để đảm bảo các phê duyệt quy định kịp thời, các biện pháp an ninh đầy đủ, xử lý thích hợp và thông quan. “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ đi đầu trong việc tạo điều kiện hợp tác trong chuỗi hậu cần để cơ sở vật chất, dàn xếp an ninh và quy trình biên giới sẵn sàng cho nhiệm vụ phức tạp và khổng lồ phía trước”, ông de Juniac cho biết thêm.
Theo IATA (https://www.iata.org/en/pressroom/pr/2020-09-09-01/)