Một năm thực thi EVFTA: Điều cần thiết là đưa lời nói thành hành động

EVFTA

Trong một năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2021), các chính sách của Hiệp định đã mang lại những tác động tích cực, quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng WorldCourier điểm lại những thành quả sau 1 năm thực hiện EVFTA cùng những khó khăn, bất cập cần phải khắc phục.

EVFTA
EVFTA

Xuất nhập khẩu tăng hơn 18%

Một năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam xuất siêu sang Liên minh châu Âu (EU) hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản… đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định lịch sử này.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 18,3% (đạt 19,4 tỷ USD) và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1% (đạt 8,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê…

Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh. Đây những mặt hàng có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam và của người tiêu dùng Việt Nam.

Không chỉ mang đến hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực thương mại, hiệp định lịch sử này còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Tính đến tháng 6/2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.

Những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên đã giúp Việt Nam tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng, được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU.

Điều này tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Nhiều ngành hàng hưởng lợi

Nhìn từ ngành hàng cụ thể, dệt may có thể là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tích cực của Hiệp định EVFTA.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, 6 tháng đầu năm nay, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Vitas khẳng định: “EVFTA đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD”.

Đối với xuất khẩu nông sản, hàng Việt sang EU cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA là “bệ phóng”, tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Việt Nam chinh phục cộng đồng 27 quốc gia nổi tiếng khắt khe về tiêu chí an toàn thực phẩm.

Đầu tháng 6/2021, lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam được đưa vào thị trường EU theo đường chính ngạch, bắt đầu là Czech và sau đó là Pháp, Bỉ, Hà Lan.

Tại một số thị trường châu Âu, vải thiều có tem truy xuất nguồn gốc được bán với nhiều mức giá cao, dao động từ 15-20 Euro/kg, thậm chí tại một số siêu thị trong hệ thống Carrefour ở Brussels (Bỉ) là 25 Euro/kg.

Tương tự, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU sáu tháng đầu năm đạt khoảng 300 triệu USD, tăng tới 37% so cùng kỳ.

Dẫn đầu EU về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Ðức đạt 62,23 triệu USD (tăng 19% so cùng kỳ); tiếp theo là Pháp đạt 55,04 triệu USD (tăng 29%); Hà Lan đạt 45,47 triệu USD (tăng 60%).

Thách thức chưa hết…

Bên cạnh những kết quả tích vực về thương mại, đầu tư song phương Việt Nam-EU, theo Bộ Công Thương, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức trong việc thực thi EVFTA.

Đơn cử như việc tận dụng các cam kết ưu đãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp chưa sự quan tâm tới việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ Hiệp định hay hoạt động tuyên truyền về Hiệp định chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA còn chưa được như kỳ vọng là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuỗi phân phối bị gián đoạn, nền kinh tế toàn cầu phải chống chọi với những đợt sóng suy giảm nặng nề.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA của một số cơ quan, địa phương còn một số hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời.

Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính các doanh nghiệp. Phần đông doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh yếu, giá sản phẩm còn cao, chất lượng thấp so tiêu chuẩn quốc tế.

Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển thương hiệu và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Nhiều việc phải làm

Chia sẻ với TG&VN, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann for Freedom (FNF) Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã giáng một “đòn chí mạng” vào nền kinh tế toàn cầu. Trong thời điểm đối phó với suy thoái kinh tế, tác động tích cực của EVFTA đối với Việt Nam thậm chí còn rõ ràng hơn trước thời điểm khủng hoảng.

“Những cơ hội từ EVFTA (cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU – EVIPA) đã rõ ràng, chính xác và được bàn đến rất nhiều.

Tuy nhiên, EVFTA sẽ không thể tạo ra những thay đổi đáng kể nếu thiếu vắng những kế hoạch hành động. Bên cạnh việc chỉ ra những lợi ích tốt đẹp của EVFTA, điều cần thiết là làm thế nào để đưa lời nói thành hành động.

Nếu không có những kế hoạch thực hiện phối hợp, FTA vốn rất tuyệt vời và hiện đại này sẽ không thể mang lại kết quả. EVFTA là ‘ánh sáng ở cuối đường hầm’ thời đại dịch. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”.

GS.TS. Andreas Stoffers cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các chiến dịch truyền thông về Hiệp định. Ví dụ như tiếp tục đẩy mạnh những chiến dịch đang thực hiện của Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và báo chí Việt Nam.

Các hội thảo và hội nghị (có thể tổ chức trực tuyến) diễn ra trong bối cảnh này sẽ giúp tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA về mặt chính trị, hành chính và kinh doanh.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cũng nhận thấy, trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, Hiệp định EVFTA đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế cần phải mở cửa trở lại và phục hồi.

Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: “Cũng như vaccine sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế – sức khỏe, thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ sẽ giúp các quốc gia chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về kinh tế

Nếu chúng ta muốn phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Việc Hiệp định thực thi chưa phải là kết quả cuối cùng. Cần duy trì nỗ lực trong thập niên tiếp theo tương tự như những gì chúng ta đã làm suốt 10 năm qua”.

Để cải thiện những khó khăn còn tồn tại, Bộ Công Thương cho rằng, việc thực thi hiệu quả EVFTA cần có sự chung tay của các bên liên quan.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thực thi hiệp định để bảo đảm hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực; phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để giúp định hướng doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Các đơn vị chức năng cũng cần kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện EVFTA; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.

Nguồn: Báo Quốc tế

HY VỌNG BÀI VIẾT HỮU ÍCH CHO BẠN!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *