Tìm hiểu thủ tục xuất khẩu gỗ cập nhật mới nhất năm 2022
Tìm hiểu thủ tục xuất khẩu gỗ cập nhật mới nhất năm 2022 trong bài viết sau đây
1. Tình hình xuất khẩu Gỗ, nhu cầu chuyển gửi Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đi các nước
Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4 năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 – chiếm 79,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Trung Quốc (-0,7%) và Đài Loan (-2,4%). Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mặt hàng gỗ được đánh giá là ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất. Ngành hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm khoảng 50% do hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn.
Hiện nay, Hoa Kỳ và Châu Âu chiếm 80% thị phần xuất khẩu của Việt Nam và còn dư địa rất lớn để phát triển. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraina ngày càng gia tăng, cùng với đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên hiện nay, nguồn cung gỗ từ Nga vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đồng thời Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặt khác giá vận tải biển, chi phí logistics đang tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Chính phủ Việt Nam nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai và ứng dụng các khoa học tiên tiến vào sản xuất. Bảo vệ tính pháp lý, thực thi Hiệp định VPA/FLEGT và Luật Lâm nghiệp, hoàn thiện các quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với các cam kết, thỏa thuận quốc tế.
Theo các chuyên gia, muốn để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc nói riêng và các thị trường nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là hướng mạnh sang gia công các sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm để bảo đảm chất lượng, nhất là trong quá trình vận chuyển dài ngày bằng đường biển, tăng hàm lượng chế biến thay vì xuất khẩu hàng thô; phát triển các mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi…
“Triển vọng thị trường gỗ cho năm 2022 và 2023 là thuận lợi, nhưng không chắc chắn do các hạn chế từ nguồn cung và các vấn đề vận tải. Phần lớn nguồn cung đồ gỗ nội thất là từ Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Đức, Italia, Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Hà Lan”, CSIL nhận định.
Có thể nói, hiện nhu cầu xuất khẩu gỗ cao su xẻ ngày càng nhiều, đi các thị trường như Trung Quốc và một số thị trường khác, một số Doanh nghiệp không hiểu được quy trình về xuất khẩu gỗ và nhưng giấy tờ cần thiết để xuất khẩu được mặt hàng này, RatracoSolutions Logistics xin được làm rõ trong bài viết dưới đây…
2.Tìm hiểu thủ tục xuất khẩu Gỗ đi nước ngoài chi tiết cập nhật mới nhất 2022
Quy định về chính sách xuất khẩu Gỗ:
Theo quy định hiện hành, gỗ không phải là mặt hàng nằm trong danh mục cấm xuất khẩu nên doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào cũng có thể xuất khẩu. Do đó, bạn cần nắm chắc thông tin này để đảm bảo loại gỗ xuất khẩu đi hợp lệ và không trái pháp luật.
Cụ thể, một số loại gỗ thuộc danh mục cấm xuất khẩu có thể kể đến như:
- Các loại gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước thuộc Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính Phủ là mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng cấm xuất khẩu. Bạn nên đọc kỹ nghị định để nắm được tên loại gỗ cấm xuất khẩu.
- Các loại gỗ thuộc loại thực vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam được liệt kê tại Nhóm IA – Các loài thực vật rừng tại khoản 1, Điều, 4 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ thì không được phép xuất khẩu.
Để chắc chắn loại gỗ xuất khẩu được phép xuất đi, bạn nên liên hệ với các đơn vị chuyên môn để được tư vấn và hỗ trợ. Cá nhân, doanh nghiệp tuyệt đối không xuất khẩu loại gỗ thuộc mặt hàng cấm theo quy định.
Các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động xuất khẩu Gỗ:
Để giúp cá nhân, Doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu gỗ, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản nhằm hướng dẫn các hoạt động liên quan đến quá trình xuất khẩu gỗ cho mọi người. Theo đó, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp có thể tìm đọc để hiểu hơn về quy trình và các thủ tục xuất khẩu gỗ. Một số văn bản luật bạn có thể tìm đọc như:
- Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017 của Quốc Hội;
- Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ Về Quản lý Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Thực thi Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
- Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;
- Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/09/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống Bảo đảm Gỗ hợp pháp Việt Nam;
- Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam Về việc Công bố Danh mục các loài Động vật, Thực vật Hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài Động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES);
- Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế Xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP….và một số văn bản khác.
Mã HS của mặt hàng Gỗ:
Khi làm thủ tục xuất khẩu gỗ, bạn cần chú ý xác định đúng mã HS cho mặt hàng xuất khẩu. Theo đó, bạn nên tra cứu mã HS cho hàng hóa theo Biểu thuế xuất khẩu hiện hành. Đối với mặt hàng gỗ, căn cứ vào Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 có thể xác định mặt hàng gỗ có mã HS thuộc Chương 44 – Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ.
Trong chương 44 bao gồm nhiều mã HS nhỏ mô tả chi tiết từng loại gỗ. Căn cứ vào mặt hàng xuất khẩu thực tế, bạn có thể đối chiếu vào Nghị định để xác định được chính xác mã HS cho hàng hóa của mình. Trong trường hợp không xác định được mã HS, bạn nên liên hệ với các đơn vị chuyên môn để được hỗ trợ.
Thủ tục xuất khẩu gỗ qua các bước (Quy trình xuất khẩu)
So với nhiều loại hàng khác, thủ tục xuất khẩu gỗ tương đối phức tạp và cần nhiều loại chứng từ khác nhau. Do đó, khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nếu không có kinh nghiệm thì bạn nên thông qua công ty trung gian để làm thủ tục xuất khẩu. Về cơ bản, quy trình xuất khẩu sẽ cần thực hiện 5 bước chính là:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và làm các thủ tục để có giấy tờ liên quan đến lâm sản
Để xuất khẩu được gỗ, doanh nghiệp cần có một trong những giấy tờ sau:
- Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES (nếu hàng hóa thuộc phụ lục CITES);
- Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT (nếu xuất sang EU);
- Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập, nếu chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I;
- Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở (nếu chủ gỗ không là doanh nghiệp Nhóm I).
Bước 2: Tiến hành hoạt động kiểm dịch/hun trùng cho hàng hóa và chuyển ra cảng
Hoạt động kiểm dịch/hun trùng cho lô hàng sẽ được thực hiện tại xưởng hoặc tại cảng. Tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế mà doanh nghiệp nên tiến hành kiểm dịch/hun trùng cho hàng hóa.
Bước 3: Hoàn thiện các chứng từ xuất khẩu khác vào bộ hồ sơ hải quan
Bước 4: Tiến hành thông quan tờ khai
Bước 5: Chuẩn bị hồ sơ thư tín dụng nộp ra ngân hàng
Như vậy có thể thấy, thủ tục xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ khá phức tạp. Do đó, nếu không có kinh nghiệm thực hiện hoạt động xuất khẩu thì bạn nên sử dụng dịch vụ làm thủ tục hải quan do một số Đơn vị Logistics cung cấp.
3. Hồ sơ hải quan cho mặt hàng Gỗ và các sản phẩm từ Gỗ
Để xác định được hồ sơ hải quan cho mặt hàng gỗ nhập khẩu, bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết tại Điều 8 và Điều 10 của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 01/09/2020 của Chính phủ.
Quy định về quản lý gỗ xuất khẩu:
Theo đó, để xuất khẩu được gỗ, doanh nghiệp cần nắm được một số quy định chung về quản lý gỗ xuất khẩu. Căn cứ vào Điều 8 của Nghị định 102/2020/NĐ-CP có thể tổng hợp quy định như sau:
- Gỗ xuất khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục xuất khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
- Gỗ xuất khẩu được quản lý theo loại gỗ, thị trường xuất khẩu và trên cơ sở kết quả phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.
- Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT hoặc bảng kê gỗ theo quy định tại Nghị định này.
- Lô hàng gỗ xuất khẩu đã được cấp phép FLEGT được ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
Hồ sơ gỗ xuất khẩu:
Đối với hồ sơ hải quan xuất khẩu gỗ đã được hướng dẫn và quy định chi tiết tại Điều 10 của Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Theo đó, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan thì người xuất khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan thêm một số chứng từ khác. Về cơ bản, hồ sơ hải quan xuất khẩu gỗ gồm có:
- Đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận mã số thuế của doanh nghiệp xuất khẩu (nếu doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu);
- Hóa đơn thương mại;
- Giấy giới thiệu;
- Biên bản bàn giao container (đối với lô hàng giao nguyên container);
- Bản sao hợp đồng ủy thác (nộp trong trường hợp chủ gỗ ủy thác cho doanh nghiệp khác xuất khẩu);
- Chứng từ đầu vào với hàng hóa thương mại (Một số Chi cục có thể yêu cầu thêm chứng từ này);
- Bản thỏa thuận phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp (Một số Chi cục có thể yêu cầu thêm).
Và một số chứng từ khác (Quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2020/NĐ-CP):
1. Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.
2. Trường hợp gỗ không thuộc Phụ lục CITES:
- Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT;
- Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường ngoài EU:
* Trường hợp chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập.
* Trường hợp chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Trường hợp chủ gỗ đã hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu lô hàng, nhưng ủy thác cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì ngoài một trong các chứng từ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, doanh nghiệp nhận ủy thác để xuất khẩu phải gửi kèm theo bản sao hợp đồng ủy thác.
Ngoài ra, khi xuất khẩu gỗ, người mua có thể yêu cầu người xuất khẩu làm kiểm dịch hoặc hun trùng cho lô hàng. Đồng thời, bên mua sẽ yêu cầu bên bán cung cấp cho họ chứng thư kiểm dịch hoặc hun trùng để làm các thủ tục nhập khẩu tại quốc gia họ. Quy trình làm kiểm dịch hoặc hun trùng sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của người mua tại từng quốc gia.